CHT- Liên Đoàn Người Nhái - HQ Tr/ Tá Trịnh Hòa Hiệp - K7
Hải Quân Trung Tá Trịnh Hòa Hiệp - K7
Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Người Nhái cuối cùng của Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
• Tốt nghiệp khóa 7 Hải Quân Nha Trang
• Tốt nghiệp khóa Quản Trị tại Montery,Hoa Kỳ.
• Tốt nghiệp khóa 1 Biệt Hải.
• Tốt nghiệp khóa hành quân đổ bộ tại Hoa Kỳ.
• Tốt nghiệp trường Tham Mưu trung cấp Long Bình.
HQ Trung Tá Trịnh Hòa Hiệp lần lượt phục vụ:
• Lực lượng Hải tuần (1962-1965)
• Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Người Nhái (1966-1972). Đi tu nghiệp Hoa Kỳ trở về năm 1974, giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng LĐNN cho đến ngày 30-4-75.
• Hội Trưởng Hội Ái Hữu LĐNN, tại hải ngoại năm 1983.
Năm 1998 Hải Quân Trung Tá Trịnh Hòa Hiệp đã từ giã cõi trần trong thương tiếc của gia đình bạn bè cùng khóa và LĐNN. Và bài viết nầy cũng là bài viết cuối cùng về NN của đời ông.
NN Lê Đình An
Người Nhái là một binh chủng. Đoàn quân đặc biệt, thiện chiến và can đảm này là một thành phần của Quân chủng Hải Quân.
Quân đội là một thân thể khổng lồ, mọi người chỉ sờ thấy nó có một phần, cho nên người này lầm tưởng là cái chân, người khác lại nghỉ là cái vòi.
Quân đội là thi hành trước, khiếu nại sau, thường xuyên phải cắn răng chịu đựng âm thầm. Vì bảo mật cho công tác, anh em Người Nhái phải chịu đựng những hiểu lầm cả ở trong nước lẫn ngoài nước.
Đơn vị Người Nhái có những nhiệm vụ căn bản.
Anh em chúng tôi có nhiệm vụ vớt tàu. Đúng thế, một chiếc tàu chìm nằm ở lòng sông, nơi đáy biển không làm phiền hà gì cho cặp mắt của người nhàn du ngoạn cảnh, nhưng chiếc tàu bất khả dụng đó trở thành một chướng ngại cho việc lưu thông trên sông, trên biển. Cho nên, nhiệm vụ của anh em quân nhân Người Nhái là vớt lên những chiếc tàu bị chìm đó, trong phạm vi của một số trọng tải nào đó. Chúng tôi nói như thế, anh em sống với biển hiểu ngay. Tàu có trọng tải quá lớn, sức người không thể chuyên chở nổi, dĩ nhiên vượt ra ngoài tầm tay của anh em chúng tôi.
Nhiệm vụ của chúng tôi là tháo gở đạn dược, mìn, bẫy. Anh em Bộ Binh có những đơn vị chuyên môn tháo gỡ mìn, bẫy trên mặt đất. Chúng tôi, quân nhân người nhái tháo gỡ những mìn, bẫy nơi sông lạch, biển sâu, trên những thân tàu bè, nơi những chân cầu.
Tháo gỡ mìn, các bạn đều biết là một công tác mà mỗi người chỉ có quyền sai lầm có một lần. Ở bất cứ Quân Trường nào, huấn luyện viên cũng nói cho các bạn chân lý này. Bắn nhầm, còn có cơ bắn lại. Lắp súng nhầm thì tháo ra lắp lại. Nhưng tháo gỡ mìn, mà chạm nhầm ngòi nổ, thì nhầm chỉ một lần trong đời, và chỉ một lần thôi, thì người tháo gỡ đã về bên kia thế giới rồi Tháo gỡ như thế đòi hỏi sự can đảm ghê gớm, và tháo gở mìn, bẫy, đạn dược, trên bộ đã khó, tháo gỡ dưới mặt nước, nơi mà mặt trời chiếu xuống chỉ còn một màu xanh xám ở chỗ nông, hoàn toàn đêm đen như địa ngục ở dưới đáy sâu, công tác trong cô đơn và im lặng, chết không thấy ai, không ai thấy mình, cho đến khi thân thể vỡ nát nổi lềnh bềnh trên sóng nước.
Chúng tôi không phải chỉ làm những công tác phòng thủ nêu trên. Đơn vị Người Nhái thiết yếu là một đơn vị tấn công.
Công tác hàng đầu của chúng tôi là công tác Hải Kích, đánh đột kích thẳng vào những căn cứ địch, phản du kích, chúng tôi được gởi tới những vùng xôi đậu, những vùng địch chiếm đóng để thám sát, tuần tiễu và đánh phá. Chiến đấu của anh em Người Nhái là chiến đấu đơn độc. Anh em Bộ Binh gần tới mục tiêu mới ngậm tăm tiến tới, chúng tôi im lặng triền miên, từ đáy sâu của sóng nước. Người Nhái chợt vươn lên nhẩy vào mục tiêu, nhẩy vào chỗ chết lặng lẽ, hoàn thành công tác lại trở về đáy biển sâu để rút đi. Mười lần đi là mười lần chết, mười phần: sống chỉ một, công tác của anh em Người Nhái là công tác toàn loại cực kỳ nguy hiểm, chiến đấu chỉ trông nơi sự can trường và thiện chiến bản thân, yểm trợ không quân, yểm trợ pháo binh chỉ là những chuyện xa vời...
Nhiều người nghĩ rằng Đơn vị Người Nhái là đương nhiên ở Sàigòn, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Không! Chúng tôi có đơn vị Trung ương ở Sàigòn, các miền có đơn vị nhỏ. Công tác thường ở những nơi xa căn cứ, dù cho là công tác vớt chiếc tàu chìm, gỡ ngòi nổ của một quả thủy lôi, hay đột kích, hải kích vào những vùng địch, chính vì tính chất cực kỳ nguy hiểm của những công tác của Người Nhái, cho nên tất cả quân nhân Người Nhái đều là anh em tự nguyện. Bạn phải tự nguyện xin về Người Nhái. Không có bất cứ ai về Người Nhái mà người đó không muốn phục vụ trong đơn vị ngày đêm sát cánh với tử thần này. Cho nên người nhái là chiến sĩ gan lì thầm lặng, đơn vị nào, binh chủng nào cũng có kẻ xấu người tốt, chúng tôi cũng có một vài thành phần hung hăng, nhưng rất ít, chẳng qua tiếng đồn bên ngoài làm cho lớn hơn mà thôi. Trong khi đó, trăm ngàn hy sinh to lớn của Người Nhái ít được ai biết tới. Nhưng điều đó cũng không sao. Chúng tôi bảo vệ những vùng sâu thẩm nhất của quê mẹ. Chúng tôi ngã xuống, anh em chúng tôi ngã xuống cho Tổ quốc. Trong im lặng. Như biển cả. Anh em chúng tôi trong đoàn trục vớt, đoàn tháo gỡ đạn dược, đoàn biệt đội hải kích, mỗi đoàn có một người chỉ huy, tất cả quy tụ thống nhất dưới quyền chỉ huy của một chỉ huy trưởng đơn vị Người Nhái. Chỗ nào địch hoạt động mạnh, thượng cấp gởi chúng tôi đến chỗ đó, để tấn công thẳng vào tim quân thù, để bẻ gẫy mũi nhọn tấn công của đối phương để mở đường phản công của quân ta.
Những ngày giông bão lớn thổi qua quê hương ta, anh em chúng tôi nhìn lên từ đáy biển đứt từng khúc ruột. Quý vị có quyền đòi Không Quân oanh tạc yểm trợ. Nhưng khi chiến trường được quét dọn, máy bay vẫn chỉ bay trên trời, phải có bộ binh tung ra mới chiếm lãnh được diện tích lớn của chiến trường. Chúng tôi có thừa khả năng gỡ một quả mìn ở chân cầu để cho Bộ Binh và Thiết Giáp tiến qua tiêu diệt địch, nhưng chúng tôi không có quân số để mở cuộc đánh dàn trận trên mặt đất. Chúng tôi có thể từ mặt nước vụt nhào lên làm nổ tung căn cứ đầu não địch, nhưng tiến tới dọn sạch sẽ toàn là nhiệm vụ của đoàn quân trên bộ.
Kể từ ngày quân ta rút khỏi Huế, bỏ Đà Nẵng, Quân Đoàn I tan rã, cảm tưởng bị đồng minh bỏ rơi đã tới với tôi, cảm tưởng càng rõ rệt vì tôi nhìn thấy sự yểm trợ của Mỹ co thắt lại, giảm dần. Ngày 28 tháng 4, năm 1974, tin tức tình báo cho biết bên Thành Tuy Hạ sự canh gác bắt đầu lỏng lẻo. Tin Tình Báo cũng cho biết 6 giờ chiều địch sẽ pháo một ngàn quả. Là Sĩ Quan thâm niên nhất, ngoài trách nhiệm Chỉ huy đơn vị Người Nhái tôi cũng có trách nhiệm 5000 đồng bào di tản hiện đang tạm trú trong vùng Cát Lái này. Tôi quyết định để đồng bào di tản ra khỏi vùng Cát Lái ngay.
Sau khi di tản xong đồng bào, tôi thông báo cho anh em trong đơn vị biết tin địch sẽ tiền pháo hậu xung sau trận mưa pháo là trận đánh tràn ngập, đơn vị người nhái không phải là đơn vị địa phương quân đóng đồn và cầm cự. Tôi quyết định cho anh em tập họp gia đình và cho gia đình binh sĩ di tản. Tôi tâm sự với anh em rằng có lẽ giờ phút cuối cùng của đất nước đã đến. Ngoài ý muốn của chúng ta.
Phần chúng ta, từ ngày nào đến giờ, chúng ta chiến đấu anh dũng, chúng ta không hèn, riêng tôi, tôi đã ở cùng anh em rất lâu, tôi không bao giờ bỏ anh em, tôi thật sự sát cánh với anh em trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh. Giờ đây, không còn giải pháp nào khác hơn là bảo toàn lực lượng tránh hao tổn sinh mạng vô ích. Lòng yêu nước của chúng ta còn nguyên vẹn. Trong tình thế cực đoan này, lực lượng này, Người Nhái với một quân số hết sức nhỏ, so với quân số của các đại đơn vị của quân đội ta, chúng ta cần bảo toàn lực lượng, sẽ có ngày, sẽ có lúc chúng ta có cơ hội tiếp tục chiến đấu. Tôi đưa ra một ý kiến, xây dựng trên lòng yêu thương đồng đội, trên sự am hiểu thời cơ đã hết, định mệnh đã an bài. Tôi để anh em tự ý quyết định. Ai muốn ra đi chờ dịp phục hận, có quyền ra đi. Ai muốn ở lại súng trên tay, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hơi thở cuối cùng, bắt đối phương phải giẫm lên xác mình nếu muốn chiếm thêm một thước của mảnh đất quê hương yêu dấu này. Một số anh em lên đường. Một số đáng kể cương quyết ở lại tiếp tục canh gác, lặng lẽ chờ địch. Tôi bàn tính với những anh em ở lại là chúng ta nên chiến đấu với một chiến thuật mới. Đối mặt với địch quân ta nhất định chiến đấu không sợ hãi, nhưng chúng ta không tự biến mình thành mục tiêu pháo kích của pháo địch. Gần 6 giờ chiều địch bắt đầu pháo dữ dội, toàn thể anh em đồng ý với tôi, tôi ở lại với anh em, đi ra con đường tôi đã vạch để dân chúng rút đi lúc trước để tránh nạn. Địch pháo quá dữ dội, tôi ra lệnh cho nhân viên trên chiếc tàu chờ chính tôi hãy cắt giây đi luôn để tránh bị hủy diệt, cứ bỏ mặc tôi ở lại cùng sống chết với anh em.
Tôi cùng một số anh em lội bộ di chuyển. Tai họa xẩy tới, liên lạc mất, máy radio của chúng tôi bị chìm xuống nước. Anh em chúng tôi trong những giờ phút sinh tử cuối cùng còn ba toán người nhái. Chúng tôi chia nhau mai phục canh phòng bảo vệ vòng đai Cát Lái của Tổ Quốc.
Trước mặt chúng tôi là quân Việt Cộng, quân số chừng một tiểu đoàn. Anh em chúng tôi gồm ba tiểu đội. Địch không biết quân số của chúng tôi là bao nhiêu.
Chúng gia tăng pháo kích theo chiến thuật tiền pháo hậu xung. Chúng chờ thêm tiếp viện để tràn ngập chúng sẽ theo lối đánh hải nhân chiến. Khi tiếng pháo bắt đầu dịu bớt tôi biết trận biển người sắp khai diễn. Tôi ra lệnh cho các canô vào đón anh em. Anh em lúc này chục người như một đồng ý là chúng tôi đã cố gắng bảo vệ quê mẹ đến phút chót. Tôi ra lệnh cho anh em rút đi. Tôi nhận trách nhiệm về lệnh cuối cùng này của tôi cho các anh em Người Nhái.!
NN - HQ Trung Tá Trịnh Hòa Hiệp
K7 - SVSQ - HQ NHA TRANG
Sĩ Quan tham dự Khoá Hội Thảo,
năm 1973 , ảnh chụp trước toà nhà Ban Giám Đốc Hải Quân Công Xưởng . Trong ảnh ấy có cố HQ Trung Tá TRỊNH HOÀ HIỆP và số đông Sĩ Quan Khoá 7.